Hiện nay xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng, điều trị COVID-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc “bác sĩ Google”.
Mới đây trên Facebook tick xanh của PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số quan điểm đối với việc người dân không tiếc tiền lùng sục một số loại thuốc ngoại không rõ nguồn gốc với niềm tin sẽ trị được COVID-19 một cách dễ dàng. Ông cũng chia sẻ lại bài viết của Dược sĩ Hà Quang Tuyến – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để cảnh báo người dân. Được sự đồng ý của bác sĩ, Báo Sức khỏe & Đời sống trân trọng giới thiệu những nội dung này tới độc giả:
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir. Các thuốc này được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả COVID-19.
Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Shopee,… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.
Thuốc Areplivir thành phần là Favipiravir
“Thuốc xanh, thuốc đỏ” có tốt như lời quảng cáo?
Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus,….