GiadinhNet – Theo các chuyên gia, khi mắc COVID-19, cơ thể người bệnh phải “chiến đấu” với virus cộng với việc lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi… nên việc bị đau đầu là điều không tránh khỏi.
Chuyên gia lý giải F0 đã khỏi bệnh vẫn không được chủ quan, nhất là nhóm người có nguy cơ tái nhiễm cao, để lại hệ luỵ xấu đến sức khỏe
GiadinhNet – Các chuyên gia nhận định, những người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi, sức khỏe yếu, người có bệnh nền sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với ho, sốt, mất khứu giác, mất vị giác thì đau đầu cũng một triệu chứng phổ biến của người mắc COVID-19. Thông thường, các cơn đau đầu sẽ xuất hiện trong giai đoạn khởi phát của bệnh. Cơn đau có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày hoặc nhiều hơn tùy theo thể trạng của mỗi người. Người bệnh có thể bị đau nửa bên đầu hoặc đau cả đầu.
Chia sẻ về tình trạng đau đầu khi mắc COVID-19, theo BSCKI Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, chứng đau đầu này xuất hiện là do rối loạn co thắt mạch máu hay còn gọi là đau đầu vận mạch.
Tình trạng này thường đến từ nhiều nguyên nhân như: Căng thẳng trong công việc, cuộc sống; mất ngủ; thời tiết thay đổi; người bệnh từng bị chấn thương đầu; sử dụng các đồ uống, thức ăn gây kích thích; môi trường nhiều tiếng ồn; xảy ra khi thể trạng của người đó không khỏe… Đau đầu vận mạch dễ tái phát vì do những yếu tố nguy cơ thường là những thói quen sinh hoạt không tốt, và do yếu tố môi trường thường gặp.
Nhiều người bị đau đầu khi mắc COVID-19. Ảnh minh hoạ
Cũng theo BS Hoàng, trong quá trình mắc COVID-19, cơ thể người bệnh phải chiến đấu với virus cộng với việc lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi… nên việc bị đau đầu là điều không tránh khỏi.
Các chuyên gia y tế nhận định rằng, đau đầu khi bị COVID-19 sẽ có một vài đặc điểm khác biệt so với hội chứng đau nửa đầu mà nhiều người gặp phải. Chẳng hạn, người bệnh bị đau nửa đầu có cảm giác đau nhói một bên đầu, kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng…
Tuy nhiên, đau đầu khi mắc COVID-19 thường diễn ra với các cơn đau toàn bộ đầu và thường kèm theo sốt, ho, thậm chí là mất khứu giác, vị giác và mất ngủ. Với những người có tiền sử bị đau đầu, những cơn đau này có thể xảy ra ở mức độ nặng hơn và thường xuyên hơn.
F0 làm gì khi bị đau đầu?
Theo các bác sĩ, khi người bệnh mắc COVID-19 bị đau đầu có thể thực hiện massage nhẹ nhàng, chườm ấm tại vùng trán hoặc thái dương để làm giảm nhẹ các cơn đau. Nếu tình trạng nặng, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như: Panadol, paracetamol, ibuprofen… để giảm đau và hỗ trợ hạ sốt.
Bên cạnh đó, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Một giấc ngủ ngắn cũng có thể đem lại hiệu quả cao để hạn chế tình trạng đau đầu. Tránh làm việc quá sức hoặc căng thẳng, stress khiến tình trạng đau đầu ngày càng nặng thêm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, dinh dưỡng hợp lý, uống thật nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và các món ăn tốt cho não bộ cũng sẽ giúp giảm nhẹ tình trạng đau đầu mà người bệnh gặp phải.
Một số thực phẩm F0 nên tăng cường trong thực đơn để cải thiện tình trạng đau đầu:
Cá hồi
Do chứa nhiều axit béo omega-3 và vitamin B-2 nên cá hồi ngăn ngừa tiểu cầu bị kết vón – nguyên nhân dẫn đến chứng đau đầu thường xuyên. Thực phẩm này cũng làm giảm viêm và giúp chống lại chứng đau nửa đầu nói chung.
Quả bơ
Thành phần của quả bơ rất giàu các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin. Một cốc sinh tố bơ hoặc một quả bơ tươi sẽ giúp người bệnh xua tan cơn đau đầu dữ dội. Không chỉ vậy, bơ còn giúp bảo vệ hệ tim mạch, giúp phòng tránh bệnh đau đầu hiệu quả.
Các loại rau màu xanh đậm
Các loại rau như chân vịt, cải xoăn, rau dền, rau diếp… có hiệu quả rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính, trong đó có đau đầu. Rau chân vịt đặc biệt giàu vitamin B2 và B6 cũng như omega -3 là những chất dinh dưỡng đã được chứng minh giảm đau đầu. Vitamin B2 rất có hiệu quả trong việc giảm tần số, cường độ và thời gian đau đầu. Khi lựa chọn rau lá xanh, nên chọn rau càng sẫm màu, giá trị dinh dưỡng càng cao.
Một số món ăn gợi ý:
Canh atiso chân giò
Atiso được xem là “thần dược” đối với các bệnh lý về nhiệt, phù, thấp khớp. Một trong những công dụng ít ai biết của atiso là chữa đau đầu. Canh atiso nấu chân giò là món ăn vừa bổ dưỡng vừa an thần, giảm đau đầu.
Canh bí đỏ thịt băm
Bí đỏ chứa nhiều vitamin A, chất xơ, kali và giàu vitamin nhóm B. Một trong những công dụng của thực phẩm này là chữa đau đầu. Có nhiều cách để chế biến bí đỏ thành món ăn ngon, chữa đau đầu, trong đó thông dụng nhất là canh bí đỏ thịt băm.
Trứng rán ngải cứu
Ngải cứu được biết đến là một vị thuốc chữa đau đầu rất hiệu quả. Do đó, nếu F0 bị đau đầu có thể bổ sung các món ăn liên quan đến ngải cứu như: Trứng gà rán ngải cứu sẽ giúp cải thiện tình trạng đau đầu.
Bên cạnh việc ăn các thực phẩm có lợi, F0 cũng nên tránh các thực phẩm kích thích gây trầm trọng các cơn đau đầu như: Rượu, thuốc lá, đồ uống có gas, các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh…