GiadinhNet – Theo các chuyên gia, nếu là người thường xuyên bị cước tay chân khi thời tiết giá lạnh, việc giữ ấm cơ thể, nhất là tay, chân là điều vô cùng quan trọng.
Khổ sở vì bị cước
Cứ mùa lạnh đến, nhất là vào những ngày rét đậm là chị Thu Hoài (ở Hà Nội) lại khổ sở với 10 đầu ngón tay sưng phù và ngứa ngáy. Điều này làm chị rất khó chịu, cản trở sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là những lúc phải tiếp xúc với nước.
Cũng mệt mỏi vì chứng chân tay nứt nẻ và sưng tấy đỏ như bị kim châm vào mùa lạnh, chị Mận (quê Ninh Bình) đã từng thử nhiều phương pháp chữa trị nhưng hầu như không mấy hiệu quả.
Cảm giác đau nhức chỉ thuyên giảm chút ít rồi “đâu lại vào đấy” khi chị nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thậm chí có hôm, đang lái xe đi trên đường, chị Mận phải dừng xe táp vào lề đường vì tay lạnh cóng, đau nhức không thể tiếp tục cầm lái.
Trường hợp của chị Mận và chị Hoài chỉ là 2 trong số rất nhiều người gặp khổ với bệnh cước chân tay trong mùa lạnh. Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, những đợt thời tiết lạnh ẩm vào cuối đông đầu xuân làm cho nhiều người bị bệnh cước. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các nốt, mảng da mềm màu đỏ hoặc tím do phản ứng với lạnh. Đây là một dạng khu trú của viêm mao mạch.
Nhiều người bị bệnh cước tay, chân trong mùa đông. Ảnh TL
Nguyên nhân gây bệnh liên quan mật thiết với điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Bệnh cước xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với lạnh. Nhiệt độ lạnh làm co các động mạch và tĩnh mạch nhỏ của da. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp cước xảy ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì sự ấm lại làm rò rỉ máu vào các mô, gây sưng da.
Làm gì khi bị cước?
Theo các chuyên gia, khi vừa bị lên cước, chú ý không được sưởi ấm vì có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, gây viêm loét đau và ngứa hơn. Khi bị ngứa, chỉ nên xoa nhẹ, vì nếu gãi mạnh sẽ làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng và lở loét.
Bên cạnh đó, khi bệnh mới phát, da có cảm giác tê bì chỉ cần chú ý giữ ấm và ăn uống đủ nhiệt lượng, đủ chất dinh dưỡng. Người thể chất hư hàn, chịu lạnh kém có thể sử dụng thêm những món ăn, vị thuốc có tính ấm, để điều hòa khí huyết, ôn thông kinh mạch, phòng ngừa phát cước như thịt dê, thịt chó, thịt gà, gừng, mật ong, trần bì, sa nhân, nhục quế…
Phòng bệnh cước như nào?
Nếu là người thường xuyên bị cước tay chân khi thời tiết giá lạnh, thay vì tìm cách điều trị, chúng ta nên tìm cách ngăn ngừa sớm trước khi hiện tượng này có thể xảy ra bằng những cách sau đây:
– Mặc quần áo ấm, mang tất, mang găng tay và đi giày đủ ấm để chân tay tránh được thời tiết giá lạnh.
– Hàng ngày trước khi đi ngủ có thể ngâm chân, tay vào nước muối ấm khoảng 20 phút để tránh co mạch. Khi ngâm nước ấm cần làm ấm từ từ bằng cách xoa bàn chân, tay trước khi ngâm hoặc pha nước ngâm ấm nhẹ rồi pha nóng dần lên.
– Không hút thuốc vì chất nicotine làm co mạch.
– Với trẻ nhỏ, để đề phòng trẻ bị cước tay chân, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ nhất là các bộ phận tay, chân, mặt, tai… Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống cho trẻ bởi bệnh có thể không khỏi mà còn nguy hiểm cho tính mạng. Cũng không nên cho trẻ hơ tay chân vào lửa sẽ làm bé bị ngứa hơn. Khuyến khích trẻ đi lại vì hoạt động thể chất giúp làm ấm cơ thể.
Một số bài thuốc điều trị cước
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), khi bị cước ở mức độ nhẹ (tay, chân tấy đỏ, có cảm giác đau rát, ngứa hoặc tê bì), người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc Đông y sau:
Bài 1: Giấm ăn 50 -100 ml, đun ấm, lấy bông thấm giấm bôi hoặc đắp vào nơi tổn thương, ngày 3-5 lần. Giấm ăn có tác dụng giải độc, tán ứ, tiêu thũng, sát trùng.
– Bài 2: Gừng già 100g, rượu trắng 200ml; gừng thái nhỏ, ngâm trong rượu 3 ngày; lấy bông thấm rượu thuốc bôi vào nơi tổn thương, ngày bôi 3 lần. Gừng có tác dụng ôn trung tán hàn, ôn kinh chỉ huyết; rượu trắng có tác dụng trừ phong chỉ thống hoạt huyết.
– Bài 3: Gừng già 100g, vỏ quýt tươi 50g. Gừng và vỏ quýt rửa sạch, thái nhỏ, đun kỹ với nước, để nguội, dùng bông thấm nước thuốc bôi vào nơi tổn thương chẳng hạn như đầu mũi và vành tai bị cước. Ngày bôi 3 lần, dùng liên tục 3-5 ngày.