Không chỉ có tác dụng gói bánh chưng, định hình chiếc bánh là lá bánh chưng và lạt gói bánh đều có tác dụng chữa bệnh.
Lá dong thuộc loại cây thảo cao khoảng 1m, thân rễ hình củ. Lá thuôn hay thuôn mũi mác, dài 30 – 50cm, rộng 10 – 20cm, gốc nhọn, đầu có mỏ ngắn, hai mặt nhẵn; cuống lá dài, nhẵn; bẹ lá nhẵn hay có lông ít hay nhiều ở gốc.
Lá dong phân bố ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Indonesia, Myanma, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ (hiện nay cây lá dong đã được di thực về đồng bằng sông Cửu Long).
Theo BS CK II Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lá dong là thứ lá quen thuộc mỗi dịp xuân về, là nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng, giúp bảo quản bánh, tạo nên màu xanh tươi bắt mắt và hương thơm đặc trưng, khai vị kích thích tiêu hóa. Ít ai biết cây lá dong ngoài để gói bánh cũng là một vị thuốc của Y học cổ truyền với tác dụng chính là giải độc, thanh nhiệt.
Ảnh minh hoạ.
Đông y cho rằng thuốc có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn; Vào kinh can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết, lợi niệu…
Để làm thuốc thường dùng lá tươi, ngoài ra cũng có thể phơi khô lá để bảo quản dùng dần trong năm. Đến nay, lá dong được xem là loại thảo dược chữa một số bệnh thông dụng nhưng cũng mới được sử dụng theo kinh nghiệm trong nhân dân, chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể.
Công dụng của cây lá dong, theo Những vị thuốc Việt Nam thì lá dong có thể chữa say rượu nhanh chóng. Lá dong khô nấu uống giúp gan mát gan, giải độc, hạ men gan. Lá dong dã nhỏ có thể hỗ trợ điều trị rắn độc cắn trong khi chờ đến cơ sở y tế.
Có thể dùng cuống lá dong chữa ngộ độc đọt lá dong 50g, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống.
Khi sử dụng lá dong, bác sĩ Vũ lưu ý nên chọn để giữ lá dong luôn tươi, sau khi cắt về, người ta sẽ rửa sạch rồi phân loại, xếp thành từng bó và dùng vải bạt phủ lên trên để tránh ánh nắng mặt trời.
Ngoài lá dong, bác sĩ Vũ cho biết lạt gói bánh chưng, bánh tét, bánh giò được làm tứ ống nứa, ống giang.
Cây nứa đối với y học cổ truyền cho một vị thuốc có tên là Thiên trúc hoàng với tác dụng thanh nhiệt trừ đờm, định tâm an thần, đuổi phong nhiệt.
Tên thường gọi: Cây Thiên trúc hoàng còn có tên là Trúc hoàng phấn, Phấn nứa, Trúc cao.Tên khoa học: Concretin silicea Bambusa hay Tabashir. Họ khoa học: thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae). Thiên trúc hoàng là cặn đọng ở đốt một số cây nứa mọc ở nuớc ta, tên khoa học của nứa là Bambusa sp.
Những cây nứa này bị một loại bệnh làm cho chất nước trong cây ngưng đọng lại.
Bốn mùa đều có thể có thiên trúc hoàng, nhưng thường hay có vào thu đông, vì nước trong các đốt tre, nứa dần dần ngưng đọng lại mà có. Thường khi đốt nương làm rẫy, người ta thu thập thiên trúc hoàng ở nhưng đốt cây nứa bị đốt cháy. Lấy ra phơi khô là được.
Nhưng nếu đốt quá nóng, màu sắc chuyển màu xanh xám hay đen xám là kém, nếu lẫn đất cát phẩm chất còn kém hơn. Những cục trắng được coi là loại tốt. Kích thước thiên trúc hoàng to nhỏ không nhất định: to có thể đạt tới 1-1,5cm, nhỏ chỉ đo đuợc 1-2mm. Chất nhẹ, dễ vỡ vụn, nếm thì thấy dính vào lưỡi, không có mùi vị gì đặc biệt.
Thành phần của thiên trúc hoàng chủ yếu gồm có kali hydroxyl (1,1%), silic (90,5%), Al2O3 (0,9%), Fe203 (0,9%). Ngoài ra còn có ít canxi cacbonat.
Theo tài liệu cổ Thiên trúc hoàng vị ngọt, tính hàn, vào tâm kinh. Có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, định tâm, an thần, đuổi phong nhiệt. Người không thực nhiệt không nên dùng.
Thiên trúc hoàng là một vị thuốc dùng trong nhân dân, chủ yếu để chữa trẻ con bị kinh giật (an thần, định kinh giản) dùng cho người lớn chữa các trường hợp sốt mê man, bị cảm, không nói được. Ngoài ra còn có tác dụng chữa ho, trừ đờm.