Các nhà nghiên cứu người Pháp đã ghi âm lại gần 900 câu nói của khoảng 230 người trưởng thành khi ngủ trong suốt 1-2 đêm liên tiếp để trả lời cho câu hỏi con người nói mơ điều gì khi đi ngủ.
Nói mớ hay nói mơ (somniloquy) khi ngủ là việc một người bật phát thành lời nói có ý nghĩa hoặc vô nghĩa trong khi ngủ. Thông thường, một người sẽ nói mớ khi đang trong chu kỳ ngủ REM – giai đoạn ngủ mơ và mắt chuyển động nhanh. Bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể gặp tình trạng nói mớ. Có người chỉ nói vài từ vô nghĩa trong một lần, nhưng cũng có người nói rất nhiều trong một đêm ngủ.
Nguyên nhân gây hiện tượng nói mơ có thể là do di truyền ở các gia đình có bố mẹ thường mộng du và nói mớ thì con cái cũng có khả năng cao gặp tình trạng đó. Hoặc có thể do thể trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ; do ảnh hưởng của thuốc gây tác dụng phụ là làm gián đoạn giấc ngủ.
Nhiều người lo lắng rằng trong lúc ngủ, mình có thể sẽ nói mơ những điều khiến bản thân cảm thấy hối tiếc khi tỉnh dậy. Đây có thể là mối quan ngại chính đáng vì theo một nghiên cứu từ Pháp, những câu nói lầm bầm của con người trong giấc ngủ có xu hướng tiêu cực hơn khi nói chuyện lúc tỉnh táo.
Con người nói gì khi ngủ mơ?
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người nói mơ khi ngủ có xu hướng nói “Không” nhiều hơn gấp 4 lần so với khi họ đang thức. Ngoài ra, họ còn có xu hướng nói bậy, chửi thề nhiều hơn hẳn so với khi tỉnh táo.
Để nghiên cứu hiện tượng nói mơ, nhóm nghiên cứu đã ghi âm lại gần 900 câu nói của khoảng 230 người trưởng thành khi ngủ trong 1 đến 2 đêm liên tiếp. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, do nói mơ khi ngủ là hiện tượng tương đối hiếm nên họ đã lựa chọn ứng viên tham gia nghiên cứu là những người mắc một số chứng rối loạn trong giấc ngủ.
Các câu nói sau khi được ghi lại sẽ được phân tích ở các khía cạnh gồm độ dài, ngắt nghỉ, giọng điệu, mức độ lịch sự, xu hướng dùng ngôn ngữ tục tĩu. Kết quả này sau đó được đem so sánh với các dữ liệu lưu trữ tại kho ngôn ngữ nói tiếng Pháp để xác định xem những câu nói mơ khi ngủ có điều gì khác biệt về nội dung và hình thức thể hiện so với lời nói khi tỉnh táo.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng phần lớn (59%) lời nói mơ vào ban đêm thuộc diện không thể hiểu được, hoặc không nói thành lời rõ ràng, ví dụ như họ chỉ nói lầm bầm, thì thầm hoặc cười lớn.
Tuy nhiên, trong số những câu nói “có ý nghĩa” thì một số lượng “đáng ngạc nhiên” lại mang tính tiêu cực: 24% lời nói chứa nội dung tiêu cực, 22% chứa ngôn ngữ tục tĩu và gần 10% chứa từ “Không”.
Tại sao con người có xu hướng nói mơ những điều tiêu cực?
Theo nghiên cứu, phát hiện này có thể phản ánh cái gọi là “Thuyết mô phỏng mối đe dọa” (một trong những cơ sở giải thích cho chức năng của những giấc mơ).
Theo thuyết này, giấc mơ là hình thức mô phỏng giúp “huấn luyện” con người về các mối đe dọa có thể xảy ra trong khi họ tỉnh táo. Hay đơn giản hơn là biết cách từ chối thông qua việc nói “không” – điều mà nhiều người ngại làm trong cuộc sống hàng ngày.
Tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là chuyên gia thần kinh học tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris – Tiến sĩ Isabelle Arnulf cho biết, mặc dù những người tham gia nghiên cứu là người Pháp, nhưng phát hiện không nhất thiết có nghĩa là người Pháp thô lỗ hơn các quốc tịch khác.
Bên cạnh đó, mặc dù nội dung mà các ứng viên nói mơ khi ngủ có thể gây khó chịu nhưng điều đáng nói là họ vẫn giữ đúng ngữ pháp và tuân theo các mẫu lời nói hàng ngày như quy tắc ngắt nghỉ, số lượng từ thường được sử dụng trong một câu mệnh lệnh nhất định.
Tiến sĩ Carl Bazil, giám đốc Khoa Giấc ngủ và Động kinh tại Đại học Columbia ở Thành phố New York nhận định, phát hiện trên cho thấy lời nói mơ khi ngủ “phức tạp hơn chúng ta tưởng”, nó còn cho thấy các vùng chức năng của não bộ vẫn hoạt động tích cực trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ.
Việc các cụm từ nói mơ vẫn giữ được độ chính xác về mặt ngữ pháp cho thấy hệ thống thần kinh phụ trách vẫn đang hoạt động như khi con người thức dậy. Bên cạnh đó, việc lẩm nhẩm cho thấy vẫn còn một số ức chế vận động, hay nói cách khác, não bộ vẫn đang ngăn chuyển động của các cơ bắp trong lúc ngủ.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)