Hiện tượng đau đầu nhức mắt xuất hiện từ những cơn đau vùng đầu kéo dài xuống vùng mắt. Đôi khi cơn đau chỉ thoáng qua nhưng cũng có lúc âm ỉ, đau nhói khiến nhiều người khó chịu.
Những nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đau đầu nhức mắt? Theo các chuyên gia, có nhiều dạng đau đầu khác nhau, có thể kể đến như: đau đầu nguyên phát, đau đầu thứ phát và đau đầu dây thần kinh số 5 (đau đầu liên quan tới sọ và thần kinh trung ương).
Đau đầu nhức mắt có thể bao gồm có thể đau quanh hố mắt, đau ở mặt vùng quanh mắt, đau đầu có kèm theo đau nhức hố mắt, bị đau đầu xuất hiện cùng các triệu chứng ở mắt (chẳng hạn như suy giảm thị lực, đỏ mắt, chảy nước mắt…) hoặc đau đầu lan đến hố mắt,…
Nguyên nhân của hiện tượng đau đầu nhức mắt
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị đau nhức đầu kèm theo nhức mắt. Dưới đây là một số vấn đề sức khoẻ có thể gây ra tình trạng này:
1. Do bệnh lý
– Đau nửa đầu migraine
Thực tế thì nguyên nhân chính xác gây ra các cơn nhức nửa đầu migraine vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, hội chứng này có thể xảy ra khi gặp phải các yếu tố nguy cơ như căng thẳng hay lo lắng quá mức; sự thay đổi hormone, ngồi sai tư thế, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống,…
– Viêm xoang, viêm mũi dị ứng
Người bị viêm xoang thường xuyên gặp phải hiện tượng đau đầu nhức mắt. Cơn đau ở các xoang vùng trán có thể kèm theo sốt, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết hoặc trời lạnh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu nhức mắt (Ảnh: Internet)
– Viêm động mạch thái dương
Đây là bệnh xảy ra phổ biến ở người trên 65 tuổi. Khi tình trạng viêm và tắc nghẽn cản trở quá trình lưu thông máu có thể gây ra hiện tượng đau đầu kèm theo nhức mắt.
Nguyên nhân chính xác gây ra viêm động mạch thái dương vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra.
– Các bệnh lý ở mắt
Một số vấn đề ở mắt có thể gây ra chứng đau đầu nhức mắt như viêm trong mắt hoặc viêm xung quanh mắt; cận thị chưa được chẩn đoán; viêm dây thần kinh thị giác; bệnh tăng nhãn áp; xuất hiện khối u bên trong hay khối u phía sau mắt.
Đọc thêm:
– Cần kiêng ăn thịt gà khi bị đau mắt không?
2. Do căng thẳng
Một số người bị căng thẳng, stress kéo dài cũng có thể gặp phải hiện tượng đau đầu nhức mắt này, nhất là đối với người lái xe đường dài.
Nguyên nhân được giải thích là do não bộ và thị giác phải tập trung liên tục trong một khoảng thời gian dài gây đau nhức đầu và mỏi nhức mắt.
Căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề về thần kinh và thị lực (Ảnh: Internet)
Đôi khi các cơn đau đầu này sẽ kèm theo các cơn co thắt cơ ở vùng đầu hoặc vùng cổ.
3. Các yếu tố nguy cơ khác
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguy cơ có thể gây ra hiện tượng đau đầu nhức mắt như sau:
– Thiếu ngủ
– Bị đói
– Cơ thể bị mất nước
– Uống rượu bia, các chất kích thích
– Hút thuốc lá
– Ngửi phải mùi mạnh, khó chịu
– Đèn quá sáng
– Tiếng ồn
– Thay đổi nội tiết tố ở cả nam giới và nữ giới
– Các bệnh lý nhiễm trùng.
…
Có phòng tránh được không?
Trên thực tế nếu muốn phòng tránh hiện tượng đau đầu nhức mắt thì người bệnh cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra là gì. Các chẩn đoán thông qua việc thăm khám tiền sử bệnh, tính chất, mức độ đau,… sẽ giúp đánh giá chính xác cơn đau của bạn.
Ngoài ra, nếu như nguyên nhân gây ra là do lối sống thì có một số biện pháp giúp bạn phòng tránh như sau:
– Không dùng các thực phẩm, đồ uống có chứa caffein hoặc hạn chế sử dụng
– Hạn chế uống rượu hoặc bỏ rượu
– Bỏ hút thuốc lá, tránh xa các nguồn khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động)
Bỏ thuốc lá để hưởng nhiều lợi ích về sức khoẻ (Ảnh: Internet)
– Duy trì thói quen tập thể dục
– Có các biện pháp thư giãn, giải toả stress
– Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc
– Môi trường ngủ cần yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh và không tiếp xúc với thiết bị điện tử có ánh sáng xanh trước khi đi ngủ
– Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung rau củ quả, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau đầu nhức mắt không phải là một tình trạng hiếm gặp. Vì thế nếu như cảm thấy có những biểu hiện bất thường thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để có tư vấn và phương pháp can thiệp kịp thời.
Một số dấu hiệu tăng nặng cần thăm khám bác sĩ sớm như:
– Đau đầu nghiêm trọng
– Cơn đau tăng dần về cường độ đau và tần suất cơn đau
– Đau đầu, nhức hố mắt kèm sốt, bị giảm hoặc mất thị lực, người bệnh bị nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ các tiếng ồn, bị lồi mắt
– Cơn đau tăng lên khi nhai hoặc khi vận động
– Bị rối loạn ý thức,..
Tóm lại, hiện tượng đau đầu nhức mắt mặc dù phổ biến nhưng cần tìm ra nguyên nhân sớm và can thiệp đúng cách, tránh kéo dài và gây ra nhiều hệ luỵ sức khoẻ nghiêm trọng.