Liên tiếp nhiều ngày qua, thời tiết miền Bắc mưa phùn, nồm ẩm rất khó chịu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.
Các bệnh dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.
Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Sốt virus
Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.
Bệnh sởi
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong. Dịch sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt.
Đau mắt đỏ
Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường công sở đông người… Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh đường hô hấp
Các vi khuẩn gây bệnh, nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp cũng tăng nhanh trong thời tiết này. Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.
Bệnh về da
Độ ẩm không khí cao trong là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các căn bệnh khó chịu như viêm da và dị ứng da.
Bệnh tiêu chảy cấp
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virut Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.
Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm
Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên chú ý:
Giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng. Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc, tập thể dục mỗi ngày. Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tiêm phòng đầy đủ.
Người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Không ăn thực phẩm ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn, giữ bát đũa sạch sẽ.
Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 – 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Lau sàn nhà, cửa kính thường xuyên để tránh ẩm ướt và trơn trượt. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan khi có biểu hiện bệnh.
PN (SHTT)