Nhiều người thường tìm đến nước đường mỗi khi cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi hay hạ đường huyết do đói mà không biết nó nguy hại thế nào.
Tiểu Lưu năm nay 21 tuổi, đang làm lập trình viên tại Hồ Nam, Trung Quốc. Đặc thù công việc rất bận rộn, phải tăng ca thường xuyên. Hơn nữa, mới ra trường chưa bao lâu nên Tiểu Lưu luôn nỗ lực gấp đôi, gấp 3 người khác. Anh không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong chứng tỏ được năng lực với cấp trên.
Ảnh minh họa
Nghỉ Tết xong, công ty rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trong khi có thêm nhiều dự án mới. Tiểu Lưu phải tăng ca liên tục trong nhiều ngày, có hôm khuya muộn mới trở về nhà rồi lại ngồi trước máy tính đến gần sáng.
Cách đây mấy ngày, đang tranh thủ giờ nghỉ để gọi video call với anh trai thì Tiểu Lưu đột nhiên ngất xỉu. Đồng nghiệp thấy vậy vội vàng gọi xe cấp cứu đưa anh đến bệnh viện. Khi tới nơi, anh vẫn trong trạng thái hôn mê, lượng đường trong máu đo được lên đến 123,10 mmol/L, cao gấp 20 lần so với thông thường.
Lúc được chuyển vào phòng cấp cứu, tình trạng của anh đã chuyển biến xấu nhanh chóng khi có dấu hiệu sốc, co giật nhẹ, rối loạn đa chức năng. Đặc biệt, chỉ số nhiễm trùng tăng nhanh, có khả năng bị hoại tử ruột non và suy thận. Một nhóm bác sĩ hội chẩn đa khoa đã ngay lập tức được triệu tập.
Hóa ra tất cả là tại nước đường
May mắn là nhờ những nỗ lực trong nhiều giờ liên tục, đội ngũ y bác sĩ đã giành lại được mạng sống của Tiểu Lưu từ tay tử thần. Khi tỉnh lại trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), anh cho biết sát Tết nhiều việc nên đã phải làm thêm giờ nhiều ngày. Sau Tết lại càng bận rộn hơn, khiến anh ăn uống, ngủ nghỉ đều không tử tế.
Mỗi khi mệt mỏi, nhanh đói, hay chóng mặt anh sẽ pha 1 cốc nước đường để uống. Đây là mẹo Tiểu Lưu học được từ khi còn nhỏ, quả thật có tác dụng rất nhanh, giúp anh chống đỡ được với núi công việc hằng ngày.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, vào hôm xảy ra sự việc, anh đã thiếu ngủ trầm trọng nhiều ngày và thấy cơ thể mình yếu ớt bất thường. Như thường lệ, anh đi pha 1 cốc nước đường, nhưng cho nhiều đường hơn hẳn mọi khi. Sau đó, khi đang nói chuyện với anh trai thì đột nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt rồi ngất đi lúc nào không hay.
Bác sĩ điều trị chính của Tiểu Lưu cho biết, anh vốn bị bệnh tiểu đường nhưng không hề biết. Sau khi uống nước đường khiến đường huyết tăng quá cao, dẫn đến bị nhiễm toan ceton, một biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường. Vì vậy nên mới bị viêm ruột hoại tử, kèm theo sốc nhiễm trùng, tiêu cơ vân và rối loạn nhịp tim, suy gan, thận. Trong y khoa thường gọi chung là suy đa tạng, rất dễ gây tử vong.
Điều tra bệnh sử kỹ hơn cho thấy, bệnh tiểu đường của Tiểu Lưu cũng 1 phần lớn đến từ thói quen xấu này của anh. Ngoài ra, anh cũng hay ăn nhiều muối, thường xuyên gọi đồ ăn nhanh, thích đồ chiên rán, ăn khuya và ăn nhiều thịt, nhất là thịt đóng hộp sẵn.
Ảnh minh họa
Về sinh hoạt, anh có thói quen thức khuya từ thời sinh viên, đến khi đi làm lại càng trở nên trầm trọng. Anh cũng hay ngồi lâu 1 chỗ, lười vận động dẫn đến thể trạng lên tới hơn 90kg. Hơn nữa, công việc hiện tại khiến anh luôn căng thẳng, tăng ca quá nhiều dẫn đến quá sức.
Sau 4 ngày tiếp tục điều trị, tình trạng của Tiểu Lưu cũng dần ổn định, các cơ quan nội tạng đều trở về trạng thái bình thường. Sau đó anh được chuyển đến Khoa Tim mạch và các bệnh chuyển hóa để điều chỉnh lượng đường trong máu. Anh cho biết vô cùng hối hận vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan với sức khỏe của mình.