Xung quanh chúng ta luôn có những người chưa từng làm điều gì xấu nhưng cuộc đời đầy thăng trầm, những kẻ làm điều ác lại sống rất thoải mái.
Đôi lúc chúng ta thấy cuộc đời không công bằng. Có những người chẳng học hành gì vẫn giàu có, người trí thức có học đi làm lương lại ba cọc ba đồng. Những người làm việc thiện mà vẫn gặp cuộc đời éo le trong khi nhiều kẻ làm ác thì vẫn nhởn nhơ sống. Nhưng có thực sự, cuộc đời công bằng không hay chuyện sướng khổ là do tùy tâm mỗi người mà thôi.
Câu chuyện Bao Công được lưu truyền trong dân gian sẽ khiến chúng ta hiểu rằng mọi việc đều có nhân quả, nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật.
Khoảng thế kỷ XI – Bao Công, còn được biết đến với tên Bao Thanh Thiên, là một vị quan thanh liêm có tài xử án thời Nam Tống với nhiều câu chuyện truyền kì về cuộc đời ông.
Cùng thời đó có một cậu bé tàn tật bị què mất một chân, không cha không mẹ lang thang ăn xin trong làng. Năm lên 10 tuổi, cậu bé què làm một việc vô cùng kì lạ là gánh đá lấp suối làm cầu cho mọi người bước qua.
Vì việc làm có vẻ ngớ ngẩn nên mọi người mặc kệ cậu bé với hành động kì quái của mình, cho đến ngày đống đá nhô lên thành ụn đất cao, người dân trong làng mới cùng nhau góp công, góp của xây cầu để việc đi lại thuận lợi và an toàn hơn.
Trong một lần đập vụn đá thô, cậu bị đá văng vào mắt và mù lòa vĩnh viễn. Nhưng điều đó không cản trở thành tâm muốn hoàn thành cây cầu, cậu bé vẫn tiếp tục lấp đá cho tới ngày cây cầu được xây xong. Vào ngày được thỏa mãn ước nguyện, trên môi cậu bé nở lên một nụ cười mãn nguyện, đó cũng là lúc trên trời dội lên một tiếng sét đánh chết cậu bé ngay tức thì.
Trước cái chết thương tâm của một cậu bé tuy tàn tật nhưng lại luôn một lòng làm việc tốt vì người khác, dân làng ai oán khóc than. Tại sao một đứa bé ngoan ngoãn hiền lành, luôn sống vì người khác, lại nhận lấy một kết cục thê thảm đến vậy?
Vừa lúc đó, Bao Công đi qua, người dân chặn kiệu kể lại sự tình, cho rằng trời xanh không có mắt. Ngài cảm thương tột độ và thấy giận dữ vì cuộc đời quá bất công liền viết nên sáu chữ: “Thà làm việc xấu còn hơn làm điều tốt” (ninh hành ác, vận hành thiện).
Trong khi đó, Vua Tống lúc này mới sinh được một hoàng tủ trắng trẻo, khôi ngô, nhìn rất thông minh nhưng lại rất hay khóc, mỗi lúc khóc thì không ai dỗ được, đặc biệt bàn tay hoàng tử lúc nào cũng nắm chặt.
Vua mời Bao Công tới thăm hoàng tử, đồng thời xem có cách gì để giúp đứa bé này được không, thì vừa hay khi mới chạm nhẹ vào tay thì hoàng tử bất ngờ mở tay ra, trên tay có sáu chữ: “ninh hành ác, vận hành thiện”.
Truyền thuyết kể lại rằng, nhờ chiếc gối Âm Dương, Bao Công gặp được một vị trời hỏi về sự việc kì lạ này, được trả lời rằng: Trong quá khứ, cậu bé kia từng là kẻ đại gian ác, giết người cướp của, hiếp đáp kẻ yếu, nên phải trả nghiệp bằng ba kiếp què, mù và bị sét đánh chết.
Tuy nhiên, khi là cậu bé tàn tật què chân, người này lại hướng thiện luôn hành động vì người khác, vậy nên nghiệp xấu rút ngắn lại chỉ phải trả trong một đời. Với thiện nghiệp gieo trong đời đó, cậu bé đã có một tái sinh tốt đẹp, được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý trong cung vua phủ chúa, chính là Hoàng tử ngày nay.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng là người tốt nhưng luôn bị yêu quái rình rập muốn ăn thịt.
Mặc dù hành trình của thầy trò Đường Tăng đầy gập ghềnh nhưng họ cũng được hưởng lợi từ những khó khăn mà họ đã trải qua. Nói cách khác, hoạn nạn thực chất là thử thách của cuộc đời đối với những người bình thường, chỉ sau khi trải qua, họ mới biết cách trân trọng và giữ lấy hạnh phúc.
Còn những người làm điều ác, mỗi việc ác đều tự mình tiêu hao phúc khí của mình, sớm muộn gì cũng phải gánh hậu quả.
Do vậy, khi thấy một người sống tốt, luôn hành động vì người khác mà vẫn gặp khổ, hãy hiểu rằng đó là sự hiển bày của nhân quả. Tuy nhiên, những nhân tốt người đó đã gieo sẽ trở lại vào một lúc nào đó trong tương lai.
Cái gọi là nhân quả nói rộng ra là quy luật phát triển của vạn vật, chỉ cần bạn có lương tâm trong sáng thì mọi việc sẽ tự nhiên diễn biến theo chiều hướng tốt.
Theo Thùy Linh (Gia Đình Việt Nam)