Nên để trẻ tiếp tục học nếu không tiếp xúc gần F0 trong lớp

Nên để trẻ tiếp tục học nếu không tiếp xúc gần F0 trong lớp

Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện F0 ở trường không quá đáng ngại và nên tránh coi toàn bộ học sinh, giáo viên cùng lớp là F1.


Sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều trường học các cấp từ mầm non, tiểu học tới trung học, đại học trên cả nước đã bắt đầu tổ chức dạy trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, những quy định và hướng dẫn liên quan việc phát hiện ca mắc Covid-19 tại trường học vẫn tồn tại nhiều điểm khúc mắc.

Quy định hiện tại

Ngày 27/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Theo đó, trong trường hợp phát hiện học sinh mắc Covid-19 tại cơ sở giáo dục, tiết học sẽ được tạm ngưng ngay để vệ sinh khử khuẩn lớp.

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp lúc này sẽ được xét nghiệm kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Quy định này cũng đang được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, điển hình như TP,HCM, Hà Nội,…

Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong ngày được trở lại trường sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo.

Liên quan việc cách ly những F1, Bộ GD&ĐT quy định dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể:

– Với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng: Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 3 và 7.

– Với người chưa tiêm đủ liều vaccine: Cách ly y tế 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 5 và 10.

– Với người chưa tiêm vaccine: Cách ly y tế 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 7 và 13.

Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một ca dương tính với Covid-19, toàn bộ học sinh cùng lớp (F1) sẽ được cách ly tại nhà theo quy định.

Tại TP.HCM, quy định này có phần đơn giản hơn khi thay vì phải cách ly tại nhà 7 ngày, F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc vừa khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, được đi học và làm việc bình thường.

Ngoài ra, nhóm này chỉ cần tiếp tục test nhanh vào ngày thứ 3, 7. Các trường hợp trên được yêu cầu xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 7 ngày tới khi không còn phát hiện F0

Với F1 chưa tiêm vaccine đầy đủ hoặc đã tiêm đủ nhưng có yếu tố nguy cơ, nhóm này được cách ly tại nhà và khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường, trạm y tế thay vì cách ly y tế 10-14 ngày.

Không nên coi toàn bộ học sinh, giáo viên cùng lớp với F0 là F1

Trao đổi với Zing về quy định cách ly khi phát hiện F0 tại trường học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện có 2 nhóm học sinh cần bàn.

Nhóm đầu tiên là các học sinh từ 12 đến 18 tuổi. Các trường hợp này đa số đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian qua.

“Tại TP.HCM, quy định đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 với nhóm này khá rõ ràng. Các học sinh là F0 sẽ phải cách ly và đưa về nhà. Trong khi đó, những trường hợp F1 có thể ở lại lớp và tiếp tục học bình thường. Các hướng dẫn của quốc tế, châu Âu cũng tương tự. Do đó, chúng ta có thể tạm yên tâm về cách làm này”, vị chuyên gia nói.

Nên để trẻ tiếp tục học nếu không tiếp xúc gần F0 trong lớp - Ảnh 2.

Một học sinh tiểu học tại Hà Nội được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhóm thứ 2 là các trẻ tiểu học từ 5 đến 11 tuổi. Do chưa được tiêm vaccine, việc cách ly đối với nhóm này chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ông Dũng nhận định: “Tỷ lệ lây nhiễm của trẻ 5-11 rất thấp. Do đó, trong trường hợp không may phát hiện F0 cùng lớp, chúng ta vẫn có thể để trẻ trong nhóm tuổi này tiếp tục học bình thường kết hợp theo dõi triệu chứng”.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lượng vaccine để tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi. Do đó, nguy cơ đối với nhóm này trong tương lai cũng sẽ không cao.

“Nếu có cơ hội trong thời gian tới, tôi cũng sẽ góp ý về việc khi phát hiện F0 trong lớp của nhóm trẻ 5-11 tuổi, chúng ta vẫn nên để các bé tiếp tục học và chú ý theo dõi sức khỏe”, Trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM nói.

Về cách xác định F1, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng trẻ học tại lớp cũng có thể áp dụng hướng dẫn tương tự những đối tượng khác. Tuy nhiên, số lượng F1 không thực sự nhiều.

Ông giải thích: “F1 được định nghĩa là khi tiếp xúc với F0 mà không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang nhưng tiếp xúc gần trong thời gian tối thiểu 15 phút ở một không gian hẹp, kín. Như vậy, nếu trẻ ngồi học trong lớp thoáng khí, đeo khẩu trang đầy đủ, sẽ không bị xem là F1”.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong trường hợp ăn chung với F0, trẻ sẽ được xem là F1. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục theo dõi sức khỏe và triệu chứng của các trường hợp này như một phương pháp thử nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp hơn trong tương lai.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc phát hiện F0 trong lớp học cũng tương tự có một trường hợp nhiễm nCoV ở khu phố, làng xóm.

“Trước đây, trong xóm có ca mắc Covid-19 được xử lý như thế nào, giờ chúng ta có thể làm y nguyên như vậy với lớp học. Học sinh nào tiếp xúc với F0 sẽ phải tách ra để theo dõi”, bác sĩ Khanh nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh không nên coi toàn bộ học sinh, giáo viên cùng lớp với F0 là F1.

Ông khẳng định: “Chỉ những người tiếp xúc gần với F0 đó mới phải cách ly riêng. Những học sinh còn lại chỉ cần được theo dõi sức khỏe và có thể tiếp tục học bình thường. Điều quan trọng là không để người thân, gia đình rối. Thông thường, trẻ con sẽ không sợ, chỉ người lớn mới hay hoảng loạn dẫn đến hành động thái quá, kỳ thị,…”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *